Sapa Việt Nam

"Tứ đại đèo" vùng núi phía Bắc

Bao gồm những đèo sau: đèo Pha Đin (Sơn La - Điện Biên), đèo Khau Phạ (Yên Bái), đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai - Lai Châu) và đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang). Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ cùng những câu chuyện lịch sử oai hùng, mỗi con đèo đều có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách.
Nằm trên Quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, đèo Pha Đin có độ dài 32km, ở độ cao 1.648m so với mực nước biển.
Tên gọi đèo Pha Đin xuất phát từ tiếng Thái “Phạ Đin”, trong đó Phạ nghĩa là “trời”, Đin là “đất”, hàm nghĩa đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống, du khách sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, đây đó thấp thoáng những bản làng dân tộc. Ở phía dốc bên kia là vùng đất rộng lớn, mênh mông với những dãy núi hùng vĩ nối tiếp nhau. Khi đứng ở đỉnh đèo, du khách sẽ thấy nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện vào làm một.
Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Đèo Pha Đin đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quả cảm, gan dạ, quyết tâm đánh đuổi thực dân, giải phóng quê hương đất nước của quân dân Việt Nam.  
 Là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30km, đèo Khau Phạ nằm ở khu vực tiếp giáp giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển và đi qua nhiều địa danh nổi tiếng của tỉnh như: La Pán Tẩn - Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có...
Do đèo thường bị sương phủ mù mịt, núi như nhô lên trên biển mây tại khu vực đỉnh đèo nên người dân địa phương đặt tên cho đèo là Khau Phạ, theo tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng núi nhô lên tận trời). Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín (khoảng tháng 9 – 10) với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, rực rỡ sắc vàng.
Đây là thời điểm được nhiều khách du lịch lựa chọn để chinh phục đèo và ngoạn cảnh. Ngoài ra, đến đây, du khách còn được ngắm những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già nguyên sơ, hoang dã. Trong rừng còn lưu giữ và bảo tồn nhiều loại động, thực vật quý như: vượn đen tuyền, voọc xám; thông dầu, chò chỉ.
Nằm ở độ cao 2.073m so với mực nước biển, với độ dài kỷ lục gần 50km, con đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai - Lai Châu mang tên Ô Quy Hồ (còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn hay đèo Mây) được mệnh danh là “đệ nhất đèo” của vùng Tây Bắc và của cả Việt Nam.
Cái tên “Ô Quy Hồ” xuất phát từ tiếng kêu da diết, nao lòng của một loài chim, là hóa thân của tiên nữ nhà trời. Nàng yêu tha thiết một chàng trai vùng sơn cước nhưng mối tình không thành. Nàng hóa thành một loài chim, mỗi khi chiều về cất tiếng gọi người yêu trong khắc khoải. Chính tiếng kêu “ô quy hồ” của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo ở vùng núi này.
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời. Đứng trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể nhìn thấy đỉnh Phan Xi Păng cao sừng sững, phía dưới là những thảm rừng nguyên sinh xanh mướt. Đèo Ô Quy Hồ cũng là nơi xuất hiện băng tuyết và mưa tuyết mỗi khi nhiệt độ xuống thấp. Vì thế, địa danh này được nhiều du khách tìm đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm.
Đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Con đường này đã được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965), trong đó riêng đoạn đèo Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi làm trong 11 tháng.
Đèo dài khoảng 20km, nằm ở độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển. Độ cao dốc đứng cùng những khúc cua nguy hiểm khiến khu vực đèo Mã Pí Lèng từ trăm năm trước đã được các học giả Pháp mệnh danh là “Tượng đài địa chất” mang tầm quốc tế.
Nằm giữa cao nguyên Đồng Văn, một bên đèo là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng và một bên là vực sâu sông Nho Quế hun hút; phía bắc và đông bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn ngọn núi đá trùng trùng điệp điệp. Đứng trên đỉnh đèo, du khách có thể quan sát toàn cảnh vùng cao nguyên đá rộng lớn, kỳ vĩ. Tại đây hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.
Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là danh lam thắng cảnh quốc gia, đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan.
Với cảnh đẹp ngoạn mục cùng ý nghĩa lịch sử hào hùng, “tứ đại đèo” mang đến lợi thế phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa - lịch sử độc đáo, ấn tượng; trở thành một trong những sản phẩm thương hiệu mang lại giá trị du lịch lớn cho các tỉnh vùng núi phía Bắc.

3 Nhà hát mang kiết trúc Pháp ở việt Nam

Được xây dựng cùng thời và mang kiến trúc Pháp đặc trưng, nhưng mỗi nhà hát tại Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM lại mang trong mình nét rất riêng, tạo điểm nhấn cho thành phố.
Dưới đây là 3 nhà hát lớn được Pháp xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.


Nhà hát Lớn Hà Nội

 
Được xây dựng phỏng theo mẫu của Nhà hát Opera ở Paris từ năm 1901 đến 1911 trên phố Tràng Tiền, Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô. Cùng với Nhà thờ Lớn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một cột, đây là điểm dừng tham quan, chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách khi đến Hà Nội.
Với mặt tiền thoáng rộng nhìn thẳng ra quảng trường Cách mạng tháng Tám, từ xa du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp sang trọng và cổ điển của nhà hát Lớn với những hàng cột, cửa vòm và ban công hướng sáng. Theo bậc thềm dẫn vào bên trong nhà hát là một không gian lộng lẫy với hệ thống đèn chùm lấp lánh, được chia thành nhiều không gian khác nhau.
Nếu như sảnh chính là nơi đón khách, phòng gương là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng thì phòng khán giả là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và được biết đến nhiều hơn cả. Với một sân khấu lớn, 3 tầng ghế gần 600 chỗ ngồi theo phong cách Pháp thế kỷ 19, xung quanh tường trang trí cầu kỳ với những hàng cột thức Corinth đỡ một vòm tràn đầy màu sắc bởi những bức bích họa, xen kẽ hình đắp nổi, cùng một đèn chùm pha lê lớn dát vàng, không gian nhà hát khiến ai nấy bước vào đều cảm thấy choáng ngợp nhưng cũng rất gần gũi và ấm áp.


Nhà hát Lớn Hải Phòng

Nhà hát Lớn Hải Phòng có tên gọi chính thức là nhà hát Thành phố, nằm trên phố Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng. Được khởi công xây dựng vào năm 1904, đến năm 1912 thì hoàn thành, nhà hát là nơi tổ chức những hoạt động văn hóa, chính trị lớn của thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Đứng trước Nhà hát Lớn Hải Phòng, du khách sẽ có cảm giác vừa quen vừa lạ khi công trình được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc các nhà hát của Pháp thời trung cổ với phong cách Baroc. Với hai tầng nhà, hành lang, tiền sảnh, phòng gương, phòng gửi quần áo, căng tin và một sân khấu chính cùng khán trường 400 ghế, Nhà hát Lớn Hải Phòng còn gây ấn tượng với du khách bởi hệ thống ánh sáng tự nhiên chiếu qua 100 cửa ra vào và cửa sổ.
Thêm vào đó là trần khán trường hình vòm có trang trí lẵng hoa và ghi tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Mozard, Betthoven. Các bức tượng hình thần âm nhạc - vị thần bảo hộ cho các nghệ sĩ cũng được đặt phía trên sân khấu tạo thành một tổng thể hài hòa và độc đáo.
Cũng như Nhà hát Lớn Hà Nội, không gian trước Nhà hát Lớn Hải Phòng là một quảng trường khoáng đạt với nhiều vườn và cơ sở thương mại xung quanh. Vào buổi tối, đây là nơi vui chơi, hóng gió yêu thích của người dân và du khách ở Hải Phòng.


Nhà hát Lớn TP HCM

Dù ít được biết đến hơn Nhà thờ Đức Bà nhưng Nhà hát Lớn thật sự là điểm tham quan du lịch không nên bỏ qua khi đến TP HCM với những nét kiến trúc đặc thù có một không hai. Nằm trên đường Đồng Khởi, quận 1, đây là một trong ba nhà hát lớn được Pháp xây dựng cùng giai đoạn. Năm 1898, Nhà hát Lớn TP HCM được khởi công và khánh thành năm 1900.
Về kiến trúc, nhà hát được xây dựng theo phong cách Gothique thịnh hành tại Pháp thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Về quy mô, tuy nhìn bên ngoài nhà hát chỉ có một tầng trệt nhưng khi vào trong, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy nơi đây có sức chứa lớn hơn hẳn với 1.800 ghế ngồi. Với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, nhà hát là nơi tổ chức các buổi biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa balê, opera... của các đoàn nghệ thuật tại TP HCM.

Nhiều điều thú vị dành cho những ai mê biển

Dưới chân đèo Cả có một thị trấn xinh xắn dễ bị bỏ qua khi xuôi về Nha Trang.Vùng đất giáp ranh giữa hai mảnh đất Phú Yên và Khánh Hòa trải dài với gần 100 km đường biển. Tại đây có hàng chục bãi biển có tên và không tên, dài cả km hay chỉ vài trăm mét trong những hõm những khe, là điểm dừng chân lý tưởng cho bất cứ du khách nào mê tắm biển. Thị trấn Đại Lãnh nằm trên cung đường này và sẽ là một trải nghiệm thú vị khi bạn dừng lại đây một đêm trên đường về Nha Trang.
Thị trấn Đại Lãnh nhỏ, chỉ đi xe vòng 10 phút là hết nhưng là điểm nghỉ của nhiều cánh xe tải. Nhà nghỉ mọc san sát hai bên đường cùng với các nhà hàng ăn uống. Nếu đã quyết định nghỉ lại đây một đêm, bạn nên chọn những nhà nghỉ nằm bên ven biển, để hưởng làn không khí mát mẻ trực tiếp từ biển thổi vào và tiếng sóng không ngừng ngoài khơi. Các nhà nghỉ sạch sẽ với mức giá vừa phải 200.000 đồng, đủ tiện nghi, dễ chịu.
Sau khi đã rũ sạch bụi đường, hãy xuống phố thưởng thức món lẩu mực, đặc sản nổi tiếng của thị trấn được bán trong hầu khắp các nhà hàng. Hãy chọn quán có đông xe của người dân địa phương dừng lại để thưởng thức món ngon. Nồi lẩu mực với đủ loại hải sản đầy ắp gồm mực, tôm, ghẹ, cá thu ăn kèm rau mồng tơi. Người chủ quán khéo léo chế biến nước dùng cho khách. Nếu nghe giọng Bắc, họ sẽ gia giảm bớt vị cay trong nồi lẩu để khách ăn vừa miệng hơn. Lẩu dễ ăn và hương vị ngon vì đều là những loại hải sản tươi.
Hơn 21h, đường đã vắng xe và những dòng xe chạy qua thị trấn từ hai đầu đèo Cả và Cổ Mã đều đã vãn bớt. Đại Lãnh nằm lọt giữa hai con đèo ngoằn ngoèo ấy như một thung lũng bình yên. Đêm đầy sao, tiếng xe cộ thưa vắng, chỉ có gió và sóng vẫn ồn ào ngoài khơi cùng ánh đèn nhấp nháy của hàng trăm con tàu đánh cá.
Buổi sớm ở Đại Lãnh ồn ã. Từ ban công nhà nghỉ, bạn có thể ngắm chọn phiên chợ cá họp vào tờ mờ mỗi sáng. Những mẻ cá, tôm tươi ngon được đổ về bến. Tiếng rộn rã của thuyền bè và người mua hàng. Các bà các mẹ đi chợ sớm, mang về những mẻ cá tươi ngon vừa được đánh bắt. Khi chợ sắp tan cũng là lúc mặt trời lên. Ánh bình minh đỏ hồng nơi chân trời bao trùm lên toàn khu chợ, lấp lánh những vảy vàng vảy bạc của cá, những con sóng hồ hởi đuổi nhau trên mặt biển khiến con thuyền nhỏ bập bềnh. Đại Lãnh thức giấc trong ánh bình minh mê hoặc.
Đừng ngồi yên trên phòng, hãy tản bộ trong các ngóc ngách khu chợ, ngắm nhìn những khuôn mặt rám nắng với nụ cười rạng rỡ. Đi bộ thêm vài trăm mét, bạn sẽ lạc mình vào bãi biển xinh xắn của thị trấn này. Trải dài khoảng 3 km, cong vòng theo con đèo Cổ Mã. Nếu đứng từ đèo này nhìn xuống, bạn sẽ thấy tiếc vì đã bỏ qua một bãi biển đẹp đến thế. Còn vào lúc này, bãi biển không bóng người, làn nước trong xanh, sóng to, thoai thoải, thỏa sức vẫy vùng với biển, với nắng.
Một bãi biển cuốn hút như thế nhưng lại thường dễ bị khách bỏ qua vì không ai nghĩ một thị trấn nhỏ lại có nhiều thú vị đến vậy cho đến khi vượt sang đèo Cổ Mã mới thấy tiếc nuối. Trong lịch sử của mình, Đại Lãnh từng được liệt vào hàng danh thắng Việt Nam, được vua Minh mạng chạm hình phong cảnh Đại Lãnh vào một trong chín đỉnh đồng lớn trang trí trước sân Thế Miếu của đất đế đô. Trải qua nhiều năm, Đại Lãnh vẫn giữ nguyên nét đẹp thủa nào.

Công ty Du Lịch đặc Trưng Việt
Điện thọai: (+84) 984 326 723 – (+84) 974 861 652
Email: vietnamtypicaltour@gmail.com
Website: http://vietnamtypicaltours.com
http://dulichlangqueviet.com

Vịnh biển Lăng Cô

Trước đây, Lăng Cô thường đón khách đi ngang qua ghé vào nhưng nay vịnh biển nằm giữa Huế và Đà Nẵng này đã trở thành điểm du lịch lý tưởng của Thừa Thiên Huế.
Vịnh biển Lăng Cô nằm dưới chân đèo Hải Vân cách thành phố Huế khoảng 70 km và thành phố Đà Nẵng hơn 30 km. Vài năm trước, vịnh Lăng Cô chỉ là điểm ghé chân của du khách trên chặng đường Huế - Đà Nẵng do chưa có nhiều cơ sở lưu trú và các dịch vụ đi kèm. Trong ba năm trở lại, Lăng Cô được đánh giá là điểm đến cho khách yêu biển khi tới Huế.
Thay vì tham quan các khu lăng tẩm quen thuộc, bạn có thể dành thời gian để nghỉ lại Lăng Cô, khám phá những điều thú vị của riêng vùng vịnh biển này. Để đến Lăng Cô, có thể bắt tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng chạy thường xuyên trong ngày hay thuê xe máy từ Huế, giá khoảng 80.000 đồng/ ngày. Đường đến Lăng Cô tùy bạn chọn, chạy theo quốc lộ 1A hay theo đường 49B dọc biển Thuận An, phá Tam Giang, rồi vượt qua đèo Phú Gia là đến.
Lăng Cô nhỏ nhắn với một bên là biển, một bên là đầm phá và núi. Nước biển ở đây trong xanh, bờ cát thoai thoải, sóng nhẹ. Thời gian đẹp nhất để tắm biển từ tháng 4 đến tháng 7, sang tháng 8, biển vào mùa mưa, đến tháng 12 lại khá lạnh vì thời tiết mùa đông.
Tìm nhà nghỉ ở Lăng Cô không khó. Có hai lựa chọn cho bạn, nhà nghỉ sát biển hay nhà nghỉ bên kia đường Quốc Lộ, giá cả tương đương nhau, thấp nhất khoảng 300.000 đồng/ phòng. Biển Lăng Cô trải dài hơn chục km, đến tận sát chân đèo Hải Vân, nên vẫy vùng ở đoạn biển nào cũng được. Càng xuống cuối, bãi biển càng mở rộng hơn và sóng êm hơn. Tại đây, bạn sẽ gặp một làng chài đơn sơ với những con thuyền mộc mạc.
Lăng Cô trông có vẻ nhỏ nhưng lại có nhiều điểm chơi. Một trong những trải nghiệm thú vị là chạy xe máy vượt đèo Hải Vân, khám phá “thiên hạ đệ nhất hùng quan” nổi tiếng. Con đèo từng lừng lẫy một thời này nay là điểm du lịch nổi tiếng với các chuyến xe máy và xe du lịch. Từ trên cao, toàn cảnh Lăng Cô như một bức tranh, nhất là khi hoàng hôn buông đỏ vịnh biển trong xanh. Sau khi vượt đèo Hải Vân dài 21 km, một trong những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam, bạn cũng có thể sang Đà Nẵng chơi.
Đầm Lập An song song với biển Lăng Cô lộng gió chiều về. Các đầm phá là nơi cung cấp thủy sản tươi ngon cho toàn Lăng Cô. Hàu ở đây rất rẻ. Ghẹ và tôm tươi tanh tách. Bạn có thể mua ngay tại đầm rồi nhờ các quán ăn ven đầm chế biến với giá cả không thể hợp lý hơn.
Có hai tour du lịch rất hay ít người biết đến tại Lăng Cô là ghé thăm rừng Quốc gia Bạch Mã, nằm cách Lăng Cô khoảng 30 km. Nếu đi xe máy, bạn có thể chạy thẳng vào tâm rừng, rồi từ đây đi bộ vào các điểm tham quan như cụm thác Ngũ Hổ, thác Đỗ Quyền, chinh phục đỉnh Bạch Mã, Vọng Hải Đài (từ đây chiêm ngưỡng toàn cảnh vịnh Chân Mây và đầm Cầu Hai). Một điểm đi khác là thuê thuyền của ngư dân và chạy dưới chân đèo Hải Vân, khám phá vùng biển ít người biết đến.
Sau một ngày vui chơi, hãy dừng lại bên ven biển, thưởng thức một bữa tiệc hải sải ngon rẻ. Có thể là một nhà hàng nổi tiếng của Lăng Cô như quán Anh Phi hay Bé Đen, thưởng thức những món hải sản giàu dinh dưỡng, hay dân dã hơn ghé qua làng chài cuối biển, nhậu với những người ngư dân chất phát cùng những món hải sản trên biển, ngắm trăng và nghe tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi không ngừng.
Lăng Cô nhỏ xinh nhưng có thật nhiều điều thú vị cho bất cứ du khách nào muốn đến nghỉ ngơi và khám phá trong mùa hè này.

Công ty Du Lịch đặc Trưng Việt
Điện thọai: (+84) 984 326 723 – (+84) 974 861 652
Email: vietnamtypicaltour@gmail.com
Website: http://vietnamtypicaltours.com
http://dulichlangqueviet.com

Trải nghiệm những điều thú vị chỉ có ở Tây Nguyên

Đến với Tây Nguyên, bạn không chỉ được cưỡi voi khám phá các buôn làng, thưởng thức ly cà phê Ban Mê quyến rũ mà còn được hòa trong không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo.
Tùy vào thời gian lưu lại mảnh đất đầy nắng và gió này, bạn có thể lên lịch để trải nghiệm những điều thú vị sau đây: 


Thưởng thức một buổi cồng chiêng

 
Văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc. Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.


Tượng nhà mồ

Người Tây Nguyên quan niệm chết là bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới của hồn ma. Ngôi nhà mồ, những pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả hay cuộc chia tay, cuộc vui cuối cùng của người sống và người chết. Tượng nhà mồ lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt. lao động sản xuất và đời sống tâm linh gắn với phong tục tập quán của mỗi tộc người.
Thưởng thức ly cà phê Ban Mê thơm phức
Không ở đâu thưởng thức cà phê ngon như khi ngồi ở Tây Nguyên. Có lẽ bởi ngồi trong không gian của mảnh đất đỏ bazan giữa cái nắng cái gió, giữa không khí trong lành của đất trời, ly cà phê được pha từ chính sản phẩm của mảnh đất này mới thực sự nồng đượm. Lễ hội cà phê ở Tây Nguyên nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này.


Khám phá buôn làng AKô Đhông

 
Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn là một buôn làng người Ê Đê nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật - thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một buôn lớn có lịch sử lâu đời và giữ được nhiều giá trị truyền thống. Hiện nơi đây là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Đến với buôn làng, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người dân vùng đất Tây Nguyên quanh năm nắng gió và sống trong không khí núi rừng đặc trưng.


Cưỡi voi ở Buôn Đôn

Cưỡi voi băng rừng quốc gia YokDon, hay chèo thuyền độc mộc trên hồ Dak Min. Những căn nhà gỗ mộc, những đôi mắt của người dân tộc, những đàn bò dê thong dong, dòng Sêrepok tang tình... sẽ không làm uổng phí chuyến đi đến Đắc Lắk của bạn.

Chinh phục ngã ba Đông Dương

 
Cửa khẩu Bờ Y, nơi một con gà cất tiếng gáy cả ba nước cùng nghe là địa chỉ không nên bỏ qua nếu bạn có dịp đến với vùng đất này. Là ngã ba biên giới giữa Việt Nam – Lào – Campuchia, đây là cột mốc lãnh thổ quan trọng quốc gia.


Tây Nguyên những mùa hoa

 
Tháng 12 dương lịch là thời điểm lý tưởng để du khách đến Tây Nguyên bởi lúc này nơi đây diễn ra nhiều lễ hội và là mùa hoa dã quỳ nở vàng rực trên đất đỏ bazan.
Đầu tháng 1, cả Tây Nguyên chuyển mình trong màu lá của những cánh rừng cao su. Cao su trút lá, rũ những mệt mỏi của mình một lần cuối trong năm, đốt nốt những tàn dư của mình thành màu vàng màu đỏ rực rỡ trên cành, trước khi rời mình xuống đất mẹ.
Tháng 3, những rẫy hoa cà phê trắng muốt bắt đầu nở vào mỗi dịp xuân về. Mỗi vụ hoa thưởng nở 2 – 3 đợt cho đến cuối mùa xuân.


Gỏi lá độc đáo

Nếu một lần đến phố núi nằm ở cực bắc Tây Nguyên (Kontum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có. Lá rừng ăn kèm với thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang.

Chinh phục những dòng thác dữ

 
Có vô vàn những ngọn thác hùng vĩ trên mảnh đất Tây Nguyên để bạn khám phá như thác Yaly nằm trên địa bàn xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ngoài ra còn có các ngọn thác nổi tiếng như Thuỷ Tiên, Diệu Thanh, Ba Tầng... Gần thành phố Buôn Ma Thuột cũng có cụm thác đẹp như Đray Sap, Đray Anour, Đray H’Linh.

Công ty Du Lịch đặc Trưng Việt
Điện thọai: (+84) 984 326 723 – (+84) 974 861 652
Email: vietnamtypicaltour@gmail.com
Website: http://vietnamtypicaltours.com
http://dulichlangqueviet.com